Thánh lễ Hôn phối hay Bí tích hôn phối là lễ cưới được tổ chức ở nhà thờ của người Công giáo. Đối với những cặp đôi theo đạo Thiên Chúa thì Thánh lễ Hôn phối mới là lễ cưới chính thức, còn lễ gia tiên ở nhà chỉ là nghi thức truyền thống của người Việt. Dưới đây là tất tần tật điều dâu rể cần biết để tổ chức Lễ Hôn phối ở nhà thờ.
Thánh lễ Hôn phối (Bí tích Hôn phối) là gì?
Hôn nhân Công giáo là bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh, cùng ban ơn giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
Khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ trở thành vợ chồng theo luật tự nhiên. Hôn nhân của họ là một khế ước, có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
“Qua bí tích hôn phối, tình yêu của vợ chồng được Thiên Chúa đóng ấn. Họ nhận được những ơn siêu nhiên giúp họ sống ơn gọi hôn nhân và gia đình. Bí tích là điều rất thiêng liêng và trở nên dấu chỉ màu nhiệm Đức Kitô kết hợp với Hội thánh”.
Điều kiện để được tổ chức Thánh lễ Hôn phối?
Hôn nhân trong Công giáo được cam kết 2 điều: đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (vĩnh viễn bên nhau). Hai điều này thể hiện rõ ràng trong câu Kinh thánh:” Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”. Chính vì sự thiêng liêng này nên để được tổ chức Lễ Hôn phối, dâu rể cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Cả hai tự nguyện kết hôn, không phải chịu sức ép bởi bất cứ điều gì
- Không bị ràng buộc Hôn nhân với người khác
- Cả hai phải đủ tuổi kết hôn theo Nhà nước quy định
- Cả hai đều rửa tội theo nghi thức Công giáo
- Cả hai chưa nhận Bí tích hôn nhân lần nào (trừ trường hợp vợ/chồng trước đã qua đời)
- Hoàn thành chứng chỉ Giáo lý hôn nhân
- Không gặp các ngăn trở theo quy định của Giáo luật
- Phải có 5 người tham dự trong Thánh lễ: Cô dâu, Chú rể, Vị chứng hôn có năng quyền (Cha Xứ) và ít nhất 2 người chứng kiến.
Người nào tổ chức Thánh lễ Hôn phối (Bí tích hôn phối) không đúng Giáo luật sẽ bị phạt vạ và những ai tham dự cũng sẽ bị hình phạt tương tự.
Trình tự thủ tục đăng ký tổ chức Lễ Hôn phối
Chuẩn bị trước khi đăng ký tổ chức Lễ Hôn phối
- Học Giáo lý Hôn nhân: đôi bạn phải học tối thiểu 3 tháng. Học càng sớm càng tốt để xuất trình chứng chỉ khi đăng ký Hôn phối, hoặc đăng ký Hôn phối rồi tiếp tục học, miễn sao trước ngày cưới phải có chứng chỉ.
Giáo lý hôn nhân là những bài học về đặc tính của Công giáo, của hôn nhân Công giáo, cuộc sống gia đình, sinh sản và giáo dục con cái do Giáo hội chuẩn bị cho đôi bạn trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân.
Thời gian học giáo lý hôn nhân sẽ phụ thuộc vào tôn giáo của cả hai bạn. Cụ thể, nếu cặp đôi đều theo đạo Công giáo, các bạn sẽ mất 6 tháng tương ứng với 12 buổi học giáo lý hôn nhân.
Trường hợp một trong hai người không theo đạo Công giáo, các bạn sẽ cần thực hiện nhiều bước hơn trong thời gian dài hơn, từ 10 tháng đến 1 năm. Cụ thể, hai bạn sẽ cần liên hệ với Linh mục để chuẩn bị “Đơn xin chuẩn hôn khác đạo”, sau đó, người không theo đạo sẽ cần đăng ký học giáo lý tân tòng từ 4 – 8 tháng rồi mới tiến hành học giáo lý hôn nhân.
2. Chuẩn bị hồ sơ Hôn phối:
- Giấy xác nhận và giới thiệu của Trưởng khu.
- Giấy giới thiệu của cha xứ bên kia.
- Chứng chỉ Rửa tội mới cấp không quá 6 tháng (có ghi chú quan trọng: tình trạng độc thân).
- Chứng chỉ Thêm sức (nếu chưa, thì kiếm nơi học khóa căn bản để kịp chịu Thêm sức).
- Chứng chỉ Giáo lý Hôn nhân (bản chính kèm bản sao).
- Sổ Gia đình Công giáo và Tờ khai Gia đình Công giáo của giáo xứ đang thụ lý hồ sơ.
- Giấy Chứng nhận Kết hôn (bản chính kèm bản sao).
- Mua mới Sổ Gia đình Công giáo
Đăng ký tổ chức Thánh lễ Hôn phối (Rao Hôn phối trước lễ cưới)
- Đăng ký Hôn phối bên đàng trai hay đàng gái đều được cả. Bên nào nhận làm lễ cưới thì đăng ký bên ấy. Người bán cư trú cũng được đăng ký Hôn phối.
- Trình diện: ít nhất 3 tháng trước ngày dự định xin lễ cưới, đôi bạn cùng cha hoặc mẹ đến trình diện nơi cha xứ thụ lý Hồ sơ Hôn phối. Nếu không còn cha mẹ, thì người thân nhất đi thay: anh chị, chú bác, cô dì…
- Xuất trình Hồ sơ Hôn phối như đã chuẩn bị ở mục trên
- Đôi bạn tự viết Tờ khai Hôn phối, sau đó từng người gặp riêng cha xứ để trình bày khúc mắc nếu có.
- Bạn ở giáo xứ bên kia: viết Tờ khai Hôn phối để cha xứ chứng thực rồi đem Tờ khai này cùng với giấy giới thiệu của cha xứ đưa sang cho cha xứ bên này.
- Cha xứ và đôi bạn xác định thời gian, địa điểm xin lễ cưới (phối hợp giữa ngày lễ cưới và ngày tiệc cưới).
- Cha xứ lập Tờ rao Hôn phối, gửi tờ rao cho cha xứ bên kia (sau 3 lần rao, đến xin kết quả đem về), dù bên kia là tân tòng, cha xứ cũng phải nhận rao (khu xóm có thể biết tình trạng để trình báo). Nơi đâu đôi bạn cư ngụ quá 6 tháng (lúc đó: nam trên 20 tuổi, nữ trên 18 tuổi) thì phải gửi đến Tờ rao Hôn phối.
- Trường hợp xin cử hành lễ cưới ở nơi khác, thì cha xứ sẽ gửi giấy giới thiệu kèm với Tờ rao Hôn phối.
- Nếu hồ sơ chưa đủ (vd: đến ngày cưới mới có chứng chỉ Giáo lý Hôn nhân, mới có giấy Chứng nhận Kết hôn), thì cứ viết Tờ khai Hôn phối và xin đăng ký ngày giờ lễ cưới sẵn (trước 3 tháng), sau đó ít nhất 3 tuần trước ngày cưới phải đến đăng ký chính thức (bổ túc giấy tờ), để kịp rao 3 lần.
Sau khi được chấp thuận tổ chức Hôn phối
- Tập Nghi thức Hôn phối vài ngày trước lễ cưới, đem theo Sổ Gia đình Công giáo mới: ghi đầy đủ lý lịch.
- Nộp lại Tờ rao Hôn phối từ xứ bên kia.
- Bổ túc giấy tờ, nếu còn thiếu.
- Liên hệ với nhà thờ v/v ca đoàn, hoa, nến, trang trí…
- Xưng tội, nếu đã quá 1 tháng – nên thưa là chuẩn bị lễ cưới, để cha giải tội có lời khuyên thích hợp.
Nghi thức Thánh lễ Hôn phối
Nghi thức đầu lễ
- Chào chúc
- Lời nguyện nhập lễ
Phụng vụ lời Chúa
- Bài đọc 1
- Đáp ca (Ca đoàn)
- Bài đọc 2
- Alleluia, Phúc âm (Ca đoàn)
- Tin mừng
Nghi thức Hôn phối
- Chủ tế mời hai người làm chứng tiến lên.
- Chủ tế đặt câu hỏi; Đôi dự hôn trả lời.
- Chủ tế yêu cầu đôi dự hôn giao hứa.
- Đôi dự hôn “thề hứa” với nhau.
- Chủ tế chuẩn nhận lời hứa.
- Chủ tế làm phép nhẫn.
- Đôi tân hôn trao nhẫn cho nhau.
- Lời nguyện của đôi tân hôn.
- Kinh lạy Cha.
- Chủ tế đọc lời “chúc hôn”.
- Lời nguyện giáo dân.
Phụng vụ Thánh thể (nếu có cử hành Thánh Lễ)
- Đôi tân hôn dâng lễ vật trên bàn thờ.
- Kinh nguyện Thánh Thể.
- Chủ tế đọc lời “chúc hôn” (sau kinh Lạy Cha).
- Đôi tân hôn lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa.
Kết lễ hôn phối
- Chủ tế chúc lành cho đôi tân hôn và cộng đoàn.
- Đôi tân hôn dâng gia đình cho Đức Mẹ (tùy ý).
- Đôi tân hôn và người làm chứng ký vào sổ hôn phối.
- Đôi tân hôn ra về cùng hai họ.
Người Công giáo có kết hôn ngoại đạo và làm lễ Hôn phối được không?
Theo định nghĩa của Giáo hội Công giáo, hôn nhân hỗn hợp (hay hôn nhân dị tín) là hôn nhân giữa một người Công giáo và một người đã được nhận phép thanh tẩy nhưng thuộc hệ phái Tin Lành hay Chính thống giáo (cùng là Kitô hữu); hôn nhân khác đạo (hay hôn nhân dị giáo) là giữa một người Công giáo và một người thuộc một tôn giáo khác như Phật giáo, Hồi giáo… kể cả những người không theo tôn giáo nào. Gọi một cách nôm na của cuộc hôn nhân kiểu này là “đạo ai nấy giữ”.
Để một hôn nhân hỗn hợp hay khác đạo được làm cử hành trong nhà thờ, bên Công giáo phải xin “phép chuẩn” nơi toà giám mục. Sau khi đã được phép chuẩn rồi, thì được cử hành nghi thức hôn phối (bản chất là sự chứng hôn trước mặt linh mục), nhưng không có trong một thánh lễ. Phép chuẩn do giáo quyền địa phương ra quyết định khi bên muốn xin hội đủ những điều kiện sau đây:
- Bên người Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất đức tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái của mình được nhận phép thanh tẩy (rửa tội) và giáo dục trong Giáo hội Công giáo.
- Phải cho bên không theo Công giáo biết những lời hứa mà người Công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên Công giáo.
- Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.
Cô dâu chú rể nên mặc gì trong Thánh lễ Hôn phối ở nhà thờ?
Vì tính chất trang trọng, nghiêm trang của buổi lễ, cô dâu chú rể và những người tham dự phải mặc trang phục kín đáo, lịch sự. Cô dâu có thể mặc váy cưới hoặc áo dài truyền thống với màu trắng thanh lịch, trong sáng. Chú rể có thể mặc vest hoặc áo dài cách tân tuỳ thích sao cho phù hợp với cô dâu.
Chụp ảnh, quay phim Thánh lễ Hôn phối trong nhà thờ
Đối với người Công giáo đây là phần quan trọng nhất trong tất cả các nghi lễ ngày cưới nên việc ghi lại những khoảnh khắc là cực kỳ cần thiết. Các nhà thờ, giáo xứ cũng có những quy định nghiêm về việc quay, chụp nên dâu rể nên cần tìm một ekip có nhiều kinh nghiệm quay chụp Thánh lễ Hôn phối.
Jovian Studio là đơn vị chuyên quay chụp ngày cưới, có kinh nghiệm trong việc ghi lại những khoảnh khắc trong Thánh lễ Hôn phối ở nhà thờ. Buổi lễ chỉ diễn ra trong vòng 1 tiếng nhưng từng chút kỉ niệm ấy lại theo ta đến suốt đời. Vì vậy đối với chúng mình, quay chụp không đơn giản là thước phim, hình ảnh mà còn là lưu giữ cảm xúc trọn vẹn trong từng khung hình. Cùng ngắm qua những bộ ảnh lễ cưới trong nhà thờ dưới góc máy của nhà Jovian nhé!
Hi vọng những chia sẻ vừa rồi dâu rể đã hiểu rõ hơn về Thánh lễ Hôn phối trong nhà thờ. Chúc tất cả các bạn sẽ có một lễ cưới thật thuận lợi nhé!
Liên hệ trực tiếp để nhận những ưu đãi mới nhất của Jovian Studio tại fanpage này các dâu rể xinh yêu nha !!